Mề đay vật lý là thuật ngữ đặt tên cho chứng dị ứng mề đay bị gây nên bởi các nguyên nhân như nhiệt độ, nước, ánh nắng mặt trời và ma sát. Để giúp bạn hiểu rõ thêm về bệnh, bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin chi tiết. Hy vọng, qua bài viết, người bệnh sẽ hiểu rõ nguyên nhân và cách điều trị bệnh hiệu quả.
Mề đay vật lý là gì?
Trước hết, người bệnh cần hiểu, đây không phải là một bệnh nguy hiểm. Mức độ tổn thương của bệnh chỉ tồn tại ở một số khu vực nhất định và không lan ra toàn thân. Khác với mề đay thông thường, mề đay vật lý khá nhanh khỏi khi được điều trị và chăm sóc đúng cách. Bệnh mề đay mẩn ngứa có rất nhiều thể khác nhau và mề đay vật lý là một thể trong đó.
Tương tự như bệnh mề đay Cholinergic, histamine được sản sinh ra khi da bị kích thích bởi các yếu tố gây bệnh. Bên cạnh đó, sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ma sát mạnh, nhiệt độ cao… còn giải phóng thêm protein và từ đó gây nên những nổi mẩn ngứa kèm, sưng viêm…
Phạm vi ảnh hưởng của bệnh cũng không quá nhiều như mề đay do các yếu tố nội sinh như căng thẳng, rối loạn nội tiết gây ra. Tuy nhiên, nếu người bệnh không sớm phát hiện và tìm ra cách điều trị phù hợp, họ sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu và bức bối trong người.

Biểu hiện của mề đay vật lý
Với bất kỳ bệnh nào, dù mức độ nghiêm trọng hay không, người bệnh cũng không được phép chủ quan. Một điểm đặc biệt của căn bệnh này là triệu chứng không phát ra toàn thân nên khá nhiều người bệnh không để ý. Để sớm phát hiện những dấu hiệu khi một số vùng da mới chỉ ở mức độ nhẹ, bạn cần lưu ý những vấn đề dưới đây.
- Sẩn ngứa, ban đỏ với đa dạng kích thước, hình dáng bắt đầu xuất hiện trên da.
- Phần tổn thương da thường hơi nổi lên so với mặt bằng chung của những vùng da khác nên người bệnh có thể dùng tay xoa để cảm nhận chính xác. Tuy vậy, phần mề đay xuất hiện ở một số người bệnh lại không nổi cộm nên vẫn cần quan sát kỹ để phát hiện.
- Cảm giác ngứa ngáy, bỏng rát và có phần châm chích ở da bắt đầu khiến người bệnh khó chịu. Lúc này, nếu người bệnh gãi, những vùng da này bắt đầu sưng lên và các nốt mề đay lan rộng ra. Do vậy, bạn cần lưu ý tránh gãi vì càng có ma sát, vùng da càng gây cảm giác ngứa hơn.
- Tay chân, da mặt, ngực và lưng là những khu vực chủ yếu mà mề đay vật lý gây tổn thương. Nếu không cẩn thận tiếp tục tạo ma sát bằng cách gãi hay tiếp xúc các yếu tố như ánh mặt trời, nhiệt độ cao, vùng tổn thương sẽ lan rộng đến nhiều bộ phận khác.

Nguyên nhân gây bệnh
Từ cái tên bệnh, chắc hẳn, nhiều người đã phần nào hiểu được nguyên nhân chính gây bệnh là từ đâu. Để có hiểu hơn về tác nhân gây bệnh, bạn nên tham khảo kỹ những thông tin chi tiết về các yếu tố vật lý sau đây.
Yếu tố ánh nắng
Khi da phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, bạn có thể để ý và thấy được những vùng da nhạy cảm hay có tiết diện tiếp xúc lớn sẽ có những thay đổi nhất định. Da mặt, bắp tay, vai, lưng, đùi hay vùng da xung quanh mắt là những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố ánh nắng. Khi tiếp xúc trong một thời gian dài, mề đay sẽ bắt đầu xuất hiện. Ngoài ra, một số nguồn sáng nhân tạo khác hoặc ánh sáng xanh cũng là một trong những nguyên nhân gây nên mề đay vật lý.
Yếu tố nhiệt độ
Triệu chứng mề đay nổi lên do nhiệt độ trong cơ thể tăng cũng tương tự với bệnh mề đay Cholinergic. Tình trạng này không quá xa lạ với chúng ta bởi trong một ngày, có rất nhiều thời điểm nhiệt độ trong cơ thể tăng lên. Tập thể dục, vận động thể chất hay ăn đồ cay nóng là những hoạt động có thể gây nổi mề đay. Tuy nhiên, đôi khi, tình trạng này lại nhanh chóng biến mất chỉ trong vòng 1-2 tiếng.
Ngoài yếu tố nhiệt độ cơ thể tăng, bệnh này cũng xuất hiện khi da phải tiếp xúc với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ. Với những người có làn da nhạy cảm, chỉ với hành động đi từ khu vực quá lạnh như phòng điều hòa ra bên ngoài trong những ngày hè cũng có thể gây nên tình trạng nổi mề đay trên da. Ngoài ra, một số người gặp phải tình trạng này khi di chuyển qua lại những vùng có khí hậu khác nhau.
Bên cạnh hai trường hợp trên, mề đay vật lý cũng có thể xuất hiện khi da phải tiếp xúc nhiệt trực tiếp. Tình trạng này thường xảy ra khi người bệnh không cẩn thận chạm vào những đồ dùng có nhiệt độ cao như lò nướng, nồi nấu ăn… Tương tự như khi bị bỏng, các nốt mề đay nổi lên thường đi kèm với những nốt mụn nước.

Yếu tố nước
Một số trường hợp có thể gây nên tình trạng nổi mề đay do tiếp xúc với nước như:
- Tắm biển: Nước biển chứa rất nhiều muối và khoáng chất nên có vị mặn, gây kích ứng da và nổi mề đay ở những khu vực da nhạy cảm.
- Tắm nước quá nóng: Khi sử dụng nước quá nóng, lớp màng lipid sẽ bị vỡ và da trở nên nhạy cảm hơn. Lúc này, da sẽ trở nên khô hơn và có thể xuất hiện những nốt mẩn đỏ sau khoảng 10-15 phút.
- Dị ứng với những nguồn nước lạ: Trường hợp này xảy ra khá phổ biến khi người bệnh phải tiếp xúc với nước vô căn. Khi di chuyển nơi ở hoặc tắm nước hồ bơi, nước giếng, tình trạng dị ứng có thể xảy ra.

Yếu tố kích thích cơ học
Tình trạng mề đay do sự phản ứng của da xảy ra khi ma sát với các đồ vật khác cũng tồn tại nhiều trong cuộc sống thường ngày. Chỉ một đôi giày chật, một chiếc đồng hồ hay một bộ quần áo quá bó cũng gây nên tình trạng mẩn đỏ trên da. Tuy nhiên, tình trạng này thường nhanh chóng biến mất mà không cần đến sự can thiệp của các loại thuốc.
Phương pháp điều trị mề đay vật lý
Tuy mức độ tổn thương trên da của mề đay vật lý có mức độ nhẹ, người bệnh vẫn cần tìm hiểu những phương pháp điều trị mề đay cần thiết dưới đây. Nếu tuân thủ theo các chỉ dẫn này, những nốt mề đay trên cơ thể bạn sẽ nhanh chóng biến mất hoàn toàn.
Tránh tác nhân kích thích
Ánh nắng, nhiệt độ, nước hay ma sát là những yếu tố thuận lợi để tạo nên phản ứng và phát mề đay trên da. Do đó, tránh các tác nhân này luôn là ưu tiên hàng đầu khi điều trị mề đay vật lý. Bạn cần lưu ý những mục sau đây để giảm đi rủi ro bệnh khởi phát.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ánh sáng xanh và một số nguồn sáng nhân tạo khác trong thời gian dài.
- Chọn lựa những bộ trang phục có chất vải mềm, mỏng và ưu tiên sự vừa vặn, thoải mái, thoáng mát.
- Không tiếp xúc với nước không rõ nguồn gốc, nước bẩn, nước nhiều tạp chất.
- Pha nước tắm với nhiệt độ phù hợp, không tắm nước quá nóng.
- Tránh chà xát mạnh trên da khi tắm, khi xoa bóp.

Kết hợp uống và bôi thuốc
Với những người bị mề đay vật lý ở mức độ nhẹ, việc tránh các yếu tố kích thích da cũng có thể giúp mề đay biến mất. Tuy nhiên khi bệnh ở mức độ nghiêm trọng hơn, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ để sử dụng những loại thuốc đặc trị dưới đây.
- Nhóm thuốc có thành phần kháng histamine: Như đã đề cập ở đầu bài, histamine là thành phần sẽ được giải phóng khi da gặp các yếu tố kích thích và từ đó gây nên mẩn ngứa. Do vậy, những loại thuốc kháng histamine sẽ hiệu quả khi điều trị các triệu chứng của bệnh.
- Nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Tác dụng của nhóm thuốc này là giúp người bệnh giảm được cảm giác nóng rát do những vùng da bị tổn thương sưng viêm. Nhóm thuốc này được khuyên dùng bởi nó có độ an toàn cao. Tuy nhiên, những người có tiền sử bệnh dạ dày hoặc các bệnh liên quan đến dạ dày nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
- Thuốc bôi: Bên cạnh những loại thuốc uống để điều trị từ bên trong, người bệnh có thể tìm mua thêm những sản phẩm thuốc bôi để giảm ngứa và làm dịu da. Các loại thuốc bôi chứa menthol và kẽm sẽ giúp người bệnh dễ chịu hơn rất nhiều.
Tự điều trị mề đay vật lý tại nhà
Thực chất, bệnh mề đay vật lý không phải là một bệnh nguy hiểm nên một số cách tự điều trị tại nhà cũng khiến mề đay biến mất. Bên cạnh những mẹo chữa mề đay được nhiều người áp dụng, người bệnh có thể làm giảm những tổn thương trên da đồng thời cải thiện triệu chứng cơ năng bằng các biện pháp sau.
-
Tắm nước mát/chườm lạnh, tắm thảo dược
Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, mao mạch ở trung bì bị giãn, gây viêm và dẫn đến tình trạng mẩn ngứa, ban đỏ. Sử dụng nước lạnh để tắm hoặc chườm lên những vùng bị nổi mề đay sẽ giảm viêm ngứa, nóng rát, khó chịu. Bên cạnh cách chườm lạnh, người bệnh có thể tìm các loại thảo dược có tính mát như nha đam, bạc hà, rau má, lá diếp cá… để nấu nước tắm. Đây là một cách tiêu sưng, giải dị ứng tự nhiên được ông bà ta áp dụng từ lâu. Phương pháp này được khá nhiều người ưa chuộng do sử dụng những nguyên liệu hoàn toàn thiên nhiên.

-
Dưỡng ẩm cho da
Khi tắm nước nóng, da bị khô đi và đó cũng là lúc triệu chứng ngứa khởi phát. Do đó, dưỡng ẩm cho da bằng kem dưỡng ẩm cũng là phương pháp trị mẩn ngứa hiệu quả. Ngoài ra, cách này còn giúp những vùng da bị tổn thương giảm đi cảm giác nóng rát, châm chích, khó chịu.
Với những thông tin trên, chắc chắn, bạn đã có thêm những hiểu biết nhất định về bệnh mề đay vật lý. Dù không phải là bệnh nguy hiểm và có mức độ tổn thương trên da nhẹ, người bệnh cũng không được chủ quan và cần nhận thức được bệnh ngay khi có những dấu hiệu khởi phát. Khi đã để triệu chứng kéo dài quá 24 giờ, bạn nên tìm đến bác sĩ da liễu hoặc dược sĩ để được tư vấn cách điều trị hiệu quả.