Nổi Mề Đay Là Gì: Bệnh Có Nguy Hiểm Không, Chữa Trị Như Thế Nào

Nổi mề đay (hay còn gọi là mày đay) là bệnh thường gặp, theo ước tính có khoảng 20% dân số mắc bệnh này ít nhất 1 lần trong đời. Tuy nhiên, không phải cứ bị mày đay là phải đi khám bác sĩ và sử dụng thuốc. Những kiến thức sau đây sẽ giúp bạn phòng trành và chữa trị nổi mề đay hiệu quả.

Nổi mề đay là gì

Nổi mề đay là một phản ứng cấp hoặc mạn tính của mao mạch do dị ứng gây phù ở da và niêm mạc. Biểu hiện của bệnh là các sẩn phù, dát đỏ xuất hiện nhanh, mất đi cũng nhanh và thường không để lại dấu vết gì trên da.

Hình ảnh nổi mề đay
Hình ảnh nổi mề đay

Mày đay là một bệnh phổ biến, dễ nhận biết nhưng lại khó tìm được nguyên nhân mặc dù đã làm đầy đủ các xét nghiệm. Bệnh có cơ chế phức tạp, trong đó có vai trò quan trọng của chất trung gian hóa học histamin. Tổn thương thường thấy là nổi sẩn phù màu đỏ hoặc hồng, gồ cao hơn bề mặt da, có ranh giới rõ so với các vùng da khác, ở giữa sẩn phù đôi khi có màu trắng nhạt. Kích thước, số lượng của sẩn phù thay đổi tùy thuộc vào từng trường hợp.

Triệu chứng thường thấy là ngứa dữ dội, càng gãi càng ngứa và nổi thêm nhiều sẩn mới. Khi sẩn lặn đi không để lại bất cứ di chứng hoặc dấu vết nào trên da.

Triệu chứng nổi mề đay

Nổi mày đay được chia thành nhiều dạng khác nhau, các biểu hiện cụ thể cho từng dạng bệnh là:

Mề đay thông thường

Biểu hiện nổi mề đay thông thường
Biểu hiện nổi mề đay thông thường

Là các dát hoặc sẩn phù có màu hồng, màu đỏ xuất hiện đột ngột, rầm rộ ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Kích thước vài milimet đến vài centimet, hình thái đa dạng từ hình tròn, hình nhẫn, hình bản đồ hay ngoằn ngoèo. Rải rác khắp người hoặc tập trung thành đám, thành mảng rộng và rất ngứa.

Sau vài phút hoặc vài giờ, sẩn phù có thể biến mất không để lại dấu vết, tuy nhiên bệnh rất hay tái phát. Tùy thuộc vào thời gian, tiến triển và tình trạng tổn thương có thể chia thành 2 dạng sau:

  • Mề đay cấp tính: thời gian phát bệnh dưới 6 tuần, do nhiều nguyên nhân như: thực phẩm gây dị ứng, dùng thuốc, nhiễm trùng hoặc thay đổi nội tiết tố…
  • Mề đay mạn tính: thời gian phát bệnh trên 6 tuần, tiến triển thất thường, không tìm được nguyên nhân gây bệnh chính xác.

Phù mạch (còn gọi là phù Quincke)

Hiện tượng phù quincke
Hiện tượng phù quincke

Phù quincke là hiện tượng phù cục bộ, đột ngột ở da, đặc biệt là những vùng tổ chức lỏng lẻo như:

  • Môi, mi mắt.
  • Cổ, niêm mạc miệng.
  • Họng, thanh quản.
  • Bộ phận sinh dục…

Khi nổi làm sưng to cả một vùng cơ thể như mặt phù to, môi sưng vều, hai mí mắt híp lại, bàn tay căng tròn…

Màu sắc phù Quincke có thể hơi hồng hoặc hơi tái, nhưng cũng có thể bình thường như những vùng da khác. Cảm giác căng da, đau nhức và có thể ngứa.

Phù Quincke thường đi kèm với các thương tổn mày đay, nhưng nhiều trường hợp chỉ có phù Quincke đơn thuần.

Mề đay vật lý

Gồm các dạng sau:

  • Mày đay do kích thích cơ học: Gồm chứng da vẽ nổi, mày đay muộn do áp lực.
  • Mày đay do thay đổi nhiệt độ: Gồm mày đay cholinergique, mày đay do nóng, mày đay do lạnh.

Da vẽ nổi là hiện tượng các dát hoặc sẩn phù xuất hiện sau vài phút khi dùng một vật đầu tù vạch những đường nhẹ lên da hoặc ở những nơi quần áo cọ xát vào da. Chứng vẽ nổi có thể kèm nổi mày đay. Mày đay do nóng, mày đay do lạnh là những dạng mề đay ít gặp. Hiện tượng này xảy ra khi da tiếp xúc nhiệt đột ngột.

Các dạng mề đay khác

Ngoài thương tổn mày đay hay gặp còn có những dạng khác ít gặp hơn như sẩn nhỏ, sẩn mụn nước, xuất huyết, mày đay tiếp xúc, viêm mạch mày đay.

Nguyên nhân nổi mề đay

Nguyên nhân nổi mày đay rất phức tạp. trên cùng một bệnh nhân, có thể có một hoặc nhiều căn nguyên gây bệnh cùng kết hợp. Một số căn nguyên thường thấy là:

Mày đay thông thường

Do thức ăn: Có nhiều thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật có thể gây nổi mày đay. Như:

Những thực phẩm có thể gây dị ứng nổi mề đay
Những thực phẩm có thể gây dị ứng nổi mề đay
  • Sữa, trứng.
  • Cá biển, tôm cua, sò, ốc.
  • Phô mai, đồ hộp, mắm, tương, chao, sô-cô-la.
  • Đồ uống lên men (rượu, bia).
  • Cà chua, cải xoong, đồ hộp, dưa chuột, khoai tây…

Cũng cần nhớ rằng, những thức ăn thông thường, “lành nhất” cũng có thể gây bệnh.

Do thuốc: Trong nhiều trường hợp thuốc là nguyên nhân chính gây bệnh. Tất cả các loại thuốc đều có thể gây nổi mề đay. Các thuốc gây mày đay thường gặp nhất là:

  • Thuốc kháng sinh: nhóm beta-lactam, nhóm cyclin, macrolid, chloramphenicol…
  • Thuốc chống viêm không steroid: aspirin, decolgen…
  • Vitamin B1, B12, PP, C.
  • Các loại vacxin, huyết thanh, thuốc chống sốt rét.
  • Thuốc ức chế men chuyển…

Mày đay do thuốc thường xảy ra ngay sau khi dùng thuốc hoặc sau dùng thuốc vài ngày, có thể đơn thuần hay kèm với sốt, đau khớp, nổi hạch…

Do nọc độc:  Mày đay có thể xuất hiện do tăng mẫn cảm với các vết đốt của một số côn trùng như muỗi, bọ chét, ong, kiến, sâu bọ…

Do tác nhân đường hô hấp: Mày đay có thể xuất hiện khi người bệnh hít phải các chất gây dị ứng từ rơm rạ, phấn hoa, bụi nhà, lông vũ, khói thuốc, men mốc…

Do nhiễm trùng: Mày đay có thể gây nên do nhiễm virus như viêm gan siêu vi B, C; nhiễm vi khuẩn ở tai, mũi, họng; bộ phận tiêu hoá, răng miệng, niệu sinh dục, nhiễm ký sinh trùng đường ruột hay nhiễm nấm Candida ở da, nội tạng.

Mày đay tiếp xúc

Mày đay có thể xuất hiện do tiếp xúc với các loại mỹ phẩm son, phấn, nước hoa, thuốc nhuộm tóc, thuốc sơn móng tay, móng chân, xà phòng… Các chất tạo màu thực phẩm và các chất bảo quản thực phẩm cũng có thể gây bệnh.

Mày đay vật lý

Là mày đay xuất hiện do các yếu tố vật lý từ bên ngoài, thường do cơ chế không dị ứng, bao gồm:

  • Da vẽ nổi.
  • Mày đay do vận động, xúc cảm như khi mệt nhọc, gắng sức, stress…
  • Mày đay do chèn ép, do rung động.
  • Mày đay do quá lạnh, quá nóng, do ánh sang mặt trời, do nước

Mày đay hệ thống

Xuất hiện do người bệnh mắc một số bệnh toàn thân như

  • Bệnh chất tạo keo: luput ban đỏ…
  • Viêm mạch.
  • Bệnh nội tiết: tiểu đường, cường giáp…
  • Bệnh ung thư.

Các nguyên nhân khác

Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh mề đay thì nguy cơ trẻ bị bệnh này rất cao
Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh mề đay thì nguy cơ trẻ bị bệnh này rất cao
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh mày đay.
  • Không rõ nguyên nhân (mề đay mãn tính vô căn).

Những người dễ bị mề đay

  • Nổi mề đay ở trẻ em
  • Nổi mề đay sau sinh
  • Nổi mề đay khi mang thai

Nổi mề đay có lây không

Dị ứng nổi mề đay là một chứng bệnh ngoài da, không phải là bệnh truyền nhiễm. Do đó, bệnh có thể tái phát nhiều lần nhưng không có khả năng lây lan từ người này sang người khác.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy chứng bệnh này có thể di truyền. Theo đó, nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh thì em bé sinh ra có khả năng mắc bệnh rất cao.

Nổi mề đay có tự khỏi không

Như đã nói ở trên, các chứng mề đay thông thường có thể tự khỏi trong 1 – 2 tuần mà không để lại dấu vết gì trên da.

Riêng các trường hợp bị nổi mề đay do di truyền, mày đay mãn tính, hoặc không rõ nguyên nhân thì khả năng tự khỏi rất thấp. Đối với các trường hợp này, bệnh thường tái đi tái lại nhiều lần, gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh.

Nổi mề đay có được tắm không

Tắm và vệ sinh cơ thể hằng ngày là điều cần thiết để loại bỏ bụi bẩn, da chết, mồ hôi và đặc biệt các vi khuẩn gây hại trên da. Do đó, người mắc bệnh mề đay nên tắm mỗi ngày 1 lần để cơ thể luôn sạch sẽ.

Tuy nhiên, khi tắm người bệnh cần chú ý một số điều sau:

  • Không sử dụng xà bông, sữa tắm.
  • Không chà xát mạnh lên vùng ra bị tổn thương.
  • Nên sử dụng nước ấm, hoặc nước lá tắm (lá khê, lá đơn đỏ)

Ngoài ra nên tắm ở nơi kín gió, lau khô người và mặc quần áo rộng rãi sau khi tắm.

Nổi mề đay có nguy hiểm không

Khi bị nổi mề đay liên tục, người bệnh có cảm giác rất ngứa, khó chịu, càng gãi càng ngứa. Gãi nhiều làm da bị trầy xước, nhiễm trùng, sau khi khỏi để lại vết thâm, sẹo… ảnh hưởng nhiều tới tính thẩm mỹ. Thậm chí:

  • Mề đay có thể xuất hiện ở đường hô hấp gây sưng mạch ở khí quản, họng dẫn tới khó thở, thở gấp, nghẹt thở…
  • Mày đay có thể xuất hiện ở đường tiêu hóa, gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.
  • Khi xuất hiện ở tổ chức não, dễ gây phù nề não, gây co rật rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, chứng bệnh này có thể gây giãn mạch nhanh, đột ngột làm tụt huyết áp. Những trường hợp đặc biệt, nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể tính ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

Đặc biệt, bệnh mày đay thường rất khó phát hiện nguyên nhân dù đôi khi người bệnh đã thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết. Vì vậy, việc điều trị bệnh mề đay gặp rất nhiều khó khăn và thường không thể triệt tiêu hoàn toàn căn nguyên gây nổi mề đay, sẩn ngứa.

Nổi mề đay uống thuốc gì

Để điều trị nổi mề đay hiệu quả, tốt nhất là loại bỏ được các yếu tố nghi ngờ gây bệnh. Nên nhớ, thuốc chống dị ứng chỉ giải quyết được triệu chứng tạm thời, muốn điều trị rứt điểm cần tìm được nguyên nhân gây bệnh và loại bỏ được các nguyên nhân đó.

Đơn thuốc điều trị mề đay

Một số loại thuốc trị mề đay tại nhà thường được sử dụng như:

1: Bôi kem tinh dầu bạc hà hàm lượng 1% – 2%, tác dụng làm mát da và giảm cảm giác ngứa, sử dụng 3-4 lần/ngày.

2: Thuốc kháng histamine: hiện nay có một số thuốc chống dị ứng thế hệ mới không gây buồn ngủ, có thể sử dụng như:

  • Loratadine 10mg x 01 viên/ngày
  • Cetirizine 10mg x 01 viên/ngày
  • Acrivastine 8mg x 03 viên/ngày
  • Astermizole 10mg x 01 viên/ngày
Thuốc kháng histamine thế hệ 1 & 2 dùng trong điều trị bệnh mề đay
Thuốc kháng histamine thế hệ 1 & 2 dùng trong điều trị bệnh mề đay

3: Thuốc corticoid (uống hay tiêm): Chỉ nên dùng trong điều trị mày đay cấp, kèm phù thanh quản và trong một số trường hợp nổi mày đay do viêm mạch không đáp ứng với các thuốc kháng histamine thông thường. Không nên sử dụng corticoid để điều trị mày đay mạn tính tự phát.

Lưu ý khi điều trị nổi mày đay

  • Tránh dùng thuốc mỡ kháng histamine thoa vì dễ gây viêm da dị ứng.
  • Mỡ corticoid ít hiệu quả, có thể gây một số tác dụng phụ nhất là khi bôi trên diện tích lớn.
  • Không nên lạm dụng các loại thuốc kháng histamine và corticoid vì có nhiều tác dụng phụ.
  • Đơn thuốc trị nổi mề đay trên chỉ mang tính chất tham khảo, việc điều trị cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Chữa mề đay bằng mẹo

Việc sử dụng thuốc tây điều trị bệnh mề đay mãn tính là một việc bất khả thi. Bởi, nếu không xác định và loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh thì bệnh vẫn tái phát, gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh.
Sau đâu là 3 cách chữa mề đay tại nhà rất hiệu quả, có thể giúp người bệnh khắc phục nhanh các triệu chứng khó chịu.

Trị mề đay bằng muối

Cách trị nổi mề đay tại nhà bằng muối và lá trầu không
Cách trị nổi mề đay tại nhà bằng muối và lá trầu không

Tắm với nước muối có độ mặt hợp lý không những giúp làm sạch da mà còn có tác dụng giảm ngứa rất hiệu quả. Cách làm cũng hết sức đơn giản.

  • Trước tiên đun sôi khoảng 2l nước
  • Khi nước sôi cho thêm 5 là trần không đã vò nhầu vào nồi cùng 1 muỗng muối hạt.
  • Đun thêm khoảng 3 phút thì bắc ra và pha cùng nước lạnh đến 1 nhiệt độ vừa phải để tắm.

Thực hiện ngày 1 lần sẽ giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh mề đay.

Chữa mề đay bằng lá tía tô

Cách chữa dị ứng nổi mề đay tại nhà bằng lá tía tô
Cách chữa dị ứng nổi mề đay tại nhà bằng lá tía tô

Dùng là tía tô chữa nổi mề đay là một cách chữa bệnh dân gian đã được rất nhiều người bệnh áp dụng thành công. Cách làm đơn giản như sau:

  • Lá tía tô đem rửa sạch, để ráo nước.
  • Xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt để uống và bôi phần bã lá tía tô lên vùng da bị ngứa
  • Cũng có thể dùng lá tía tô để nấu nước tắm hàng.

Thực hiện 2 lần / ngày các triệu chứng ngứa ngáy sẽ thuyên giảm rõ rệt.

Chữa mề đay bằng lá khế

Mẹo chữa mề đay bằng lá khế
Mẹo chữa mề đay bằng lá khế

Sử dụng lá khê là một mẹo chữa nổi mề đay tại nhà hiệu quả. Các làm như sau:

  • Lá khế tươi rửa sạch.
  • Sắc lấy nước uống hoặc nấu nước tắm hàng ngày.

Thực hiện 2 lần/ ngày giú giảm ngứa, dị ứng ngoài da rất hiệu quả.

Trên đây là 3 cách chữa mề đay tại nhà rất thông dụng, đã được nhiều người áp dụng thành công. Tuy nhiên, những cách trên chỉ có thể giúp giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh, không phải là cách có thể giải quyết triệt để chứng bệnh này.

Nổi mề đay kiêng gì

Bệnh nổi mề đay rất khó xác định nguyên nhân. Vì vậy, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn và thường không thể khỏi bệnh hoàn toàn. Do đó, khi mắc bệnh các bạn nên thực hiện một số lưu ý sau:

Khi mắc bệnh các bạn nên thực hiện một số lưu ý sau
Khi mắc bệnh các bạn nên thực hiện một số lưu ý sau
  • Không gãi ngứa.
  • Không sử dụng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.
  • Không sử dụng xà phòng, sữa tắm, mỹ phẩm.
  • Không tiếp súc với động vật.
  • Kiêng gió, ánh nắng trực tiếp, hóa chất

Nổi mề đay kiêng ăn gì

Đối với bất cứ bệnh lý nào, việc người bệnh kiêng cữ tốt sẽ giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn. Do vậy, nếu chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh thì người bệnh nên hạn chế một số thực phẩm dễ gây bệnh sau đây.

Người bệnh nên hạn chế một số thực phẩm dễ gây bệnh sau đây
Người bệnh nên hạn chế một số thực phẩm dễ gây bệnh sau đây
  • Thực phẩm giàu đạm: Tôm, cua, cá biển, hải sản…
  • Các chất kích thích: rượu, trà, cafe, thuốc lá…
  • Đồ ăn cay nóng: ớt, tương ớt, các món lẩu…
  • Đồ chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ
  • Thực phẩm chứa nhiều đường và muối

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về bệnh nổi mề đay mẩn ngứa. Hy vọng rằng, bài viết có thể cung cấp đến các bạn những kiến thức cơ bản về chứng bệnh này. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào, các bạn có thể để lại bình luận bên dưới hoặc liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được giải đáp. Đừng quên chia sẻ những kiến thức này đến bạn bè và người thân !