Phân biệt giữa mề đay cấp tính và mãn tính như thế nào?

Mề đay có lẽ là một trong những bệnh lý da liễu mà nhiều người gặp phải nhất, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và quá trình sinh hoạt hằng ngày. Có hai tình trạng phổ biến của căn bệnh này đó là mề đay cấp tính và mãn tính. Mỗi cấp độ có những biểu hiện và cách điều trị khác nhau. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để phân biệt hai tình trạng bệnh lý này nhé!

Phân biệt giữa mề đay cấp tính và mãn tính

Mề đay cấp tính thường biểu hiện khá đột ngột, không có dấu hiệu báo trước và có thể xuất hiện tại bất kỳ phần da nào trên cơ thể. Theo giải thích sinh học, khi cơ thể tạo ra một chuỗi phản ứng phức tạp do tiếp xúc với dị nguyên sẽ sinh ra Histamin và các chất trung gian. Các chất này sẽ gây ra hiện tượng giãn niêm mạc và huyết quản, đồng thời tăng thấm thành mạch từ đó tạo ra bệnh mề đay.

Biểu hiện rõ nhất của mề đay cấp tính là nổi sẩn, phát ban, nhìn giống như mụn, có màu trắng đỏ và gây ngứa. Các nốt sẩn thường khoảng 1-2 cm và có thể thay đổi kích thước tùy vị trí. Vùng da nổi sẩn sẽ bị đỏ và lan dần ra các phần khác trên cơ thể, có thể gây ra hiện tượng sưng ở vòm miệng hay lưỡi. Thời gian bị mề đay cấp tính thường khoảng từ 24h – 6 tháng.

Biểu hiện của mề đay cấp tính
Biểu hiện của mề đay cấp tính

Khi mề đay cấp tính xuất hiện và kéo dài trên 6 tháng sẽ chuyển sang mề đay mãn tính. Vì vậy, nếu người bệnh không chữa triệt để mề đay cấp tính, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng và khó chữa hơn. Mề đay mãn tính sẽ có biểu hiện tương tự nhưng nặng hơn mề đay cấp tính và thường xuyên tự tái lại, rất khó để chữa khỏi hoàn toàn.

Một số phương pháp chữa trị bệnh mề đay

Chữa trị bệnh mề đay trước hết cần dựa vào nguyên nhân gây ra bệnh. Trong khi mề đay cấp tính khá dễ để nhận biết nguyên nhân, chủ yếu là do dị ứng, côn trùng cắn, lupus ban đỏ hay nhiễm khuẩn thì mề đay mãn tính hoàn toàn ngược lại. Chỉ khoảng 5 – 20% số người mắc bệnh lý này xác định được nguyên nhân. Vì vậy, mề đay cấp tính và mãn tính cũng có phương pháp chữa trị khác nhau với mức độ khó cũng khác nhau.

Cách điều trị bệnh mề đay cấp tính

Điều trị mề đay cấp tính có hai cách là sử dụng thuốc Tây và bài thuốc Đông y từ tự nhiên.

Với thuốc Tây, một số loại thường được bác sĩ chỉ định như:

  • Thuốc kháng Histamin thế hệ 1 hiệu quả khi bệnh lý dễ tương tác với thuốc nhưng thường gây ra một số phản ứng phụ như buồn ngủ, kháng cholinergic, làm tim đập nhanh, khô miệng,….
  • Trong trường hợp bệnh nặng và không có hiệu quả với Histamin thế hệ 1 (H1), có thể kết hợp thêm với Corticoid.
  • Kết hợp thêm Epinephrin với thuốc kháng Histamin liều cao nếu bệnh nhân bị phù mạch cấp tính.

Với các bài thuốc Đông y, nếu biết sử dụng đúng những loại thực vật có sẵn trong tự nhiên sẽ đem lại hiệu quả rất tốt:

  • Lá kinh giới: Dùng khoảng 20-30g kinh giới (tương đương với một nắm to) vò nát và pha vào 200ml nước đun sôi. Sau đó, sử dụng khăn mềm thấm và lau lên vùng da bị nổi sẩn, tính ấm và vị cay của kinh giới sẽ giúp bạn thấy dễ chịu hẳn.
  • Gừng tươi: Thái gừng tươi thành những lát mỏng, khoảng 3×5cm và xoa nhẹ lên vùng da bị bệnh. Các chất có sẵn trong gừng có thể chống dị ứng, hạn chế viêm nên sẽ làm mề đay không phát triển nặng hơn.
  • Lá khế: Cách dùng lá khế trị mề đay cũng tương tự như lá kinh giới, nhưng bạn có thể sử dụng túi vải để chườm.
  • Bột yến mạch: Có thể dùng bột yến mạch để tắm hằng ngày, nguyên liệu này có thể làm dịu vết ngứa, vết sẩn, mát da và chống dị ứng.
Dùng lá kinh giới để hạn chế mề đay lây lan và ngứa
Dùng lá kinh giới để hạn chế mề đay lây lan và ngứa

Cách điều trị bệnh mề đay mãn tính

Cũng tương tự như điều trị mề đay cấp tính, chữa mề đay mãn tính có hai cách là sử dụng thuốc Tây và Đông y. Tuy nhiên, khi mắc mãn tính, tình trạng bệnh đã khá nặng và khó chữa, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, khi bị mề đay mãn tính sẽ thường kết hợp với các bệnh lý về gan, vì vậy, người bệnh sẽ phải chữa trị theo phác đồ của bác sĩ.

Một số loại thuốc Tây thường được chỉ định như:

  • Thuốc kháng Histamin thế hệ 2 là những loại có tác động trực tiếp đến mề đay với tác dụng mạnh. Có thể kể đến như cetirizine, levocetirizine tác dụng phụ ít gây buồn ngủ, desloratadine, fexofenadine, loratadine ít tác dụng với cholinergic, ít tương tác với thuốc và không gây buồn ngủ. Những loại thuốc này cần có chỉ định của bác sĩ.
  • Sử dụng Corticoid toàn thân dạng viên uống hoặc tiêm khi thuốc kháng Histamin không có hoặc có ít hiệu quả. Chỉ dùng cách điều trị này với trường hợp nặng, kèm biểu hiện phù thanh quản và phải tuân theo chỉ định của bác sĩ vì có thể làm suy giảm miễn dịch.
  • Thuốc chứa Azithromycin dùng cho những trường hợp bị mề đay mãn tính do nhiễm khuẩn.
  • Với những trường hợp kháng trị, sẽ sử dụng đến phương pháp ức chế miễn dịch, Immunoglobuline truyền tĩnh mạch hay thay huyết tương.

Khi bị mề đay mãn tính, các bài thuốc Đông y từ tự nhiên chỉ có tác dụng hỗ trợ, đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh và không thể thay thế phác đồ điều trị của bác sĩ. Một số phương pháp Đông y kết hợp như:

  • Dùng lá khế tươi tắm: Đun lá cùng nước sôi để tắm hằng ngày, trong quá trình tắm nên dùng lá để chà nhẹ vào phần nổi mề đay.
  • Lá cây chè tươi tắm và đun nước uống: Có thể sử dụng lá chè tươi để đun nước tắm hằng ngày như lá khế. Bên cạnh đó, người bệnh nên kết hợp uống nước lá chè để giải nhiệt cơ thể.
  • Dùng lá kinh giới làm thuốc bôi: Giã nhuyễn một nắm lá kinh giới cùng một nhúm muối tương ứng để thoa nhẹ lên vùng nổi mề đay. Sử dụng hằng ngày.
  • Tắm với lá cây sài đất: Pha lá cây sài đất với nước và đun sôi cũng đem lại hiệu quả rất tốt.

Lưu ý: Chỉ chọn 1 trong những phương pháp Đông y trên để kết hợp điều trị với thuốc Tây. Trong trường hợp thấy hiện tượng mề đay nổi nặng hơn hay xuất hiện những biểu hiện bất thường, cần dừng ngay và thông báo với bác sĩ.

Bệnh mề đay mãn tính khá khó chữa.
Bệnh mề đay mãn tính khá khó chữa.

Cách phòng tránh mắc mề đay hiệu quả

Phương pháp tốt nhất với bệnh mề đay cấp tính và mãn tính hay bất kì một loại bệnh nào khác chính là phòng tránh ngay từ đầu. Phòng bệnh luôn tốt và dễ dàng hơn chữa bệnh, do đó, bạn nên lưu ý những vấn đề dưới đây để không mắc bệnh mề đay. Đặc biệt với những người đã từng mắc loại bệnh này thì việc phòng tránh càng cần thiết hơn cả.

  • Điều trị dứt điểm và càng sớm càng tốt khi có những dấu hiệu của bệnh mề đay. Nếu không trị khỏi hoàn toàn các đợt cấp tính, bệnh sẽ chuyển thành mãn tính.
  • Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần là rất cần thiết. Không chỉ do những tác nhân bên ngoài, chính sự hoạt động không khỏe của các bộ phận khác cũng là nguyên nhân gây bệnh.
  • Thường xuyên lau chùi, dọn dẹp và vệ sinh nhà cửa để loại bỏ các động vật có hại như chuột, gián,… Với những người nuôi thú cưng, cần tắm rửa sạch sẽ cho chúng để tránh lây bệnh sang người.
  • Không ăn những thực phẩm có tiền sử dị ứng với cơ thể, đây là một trong những nguyên nhân chính gây mề đay.
  • Với những người có cơ địa dị ứng, cần tránh sử dụng các loại hải sản như tôm, cá, cua,… vì tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cao.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, duy trì lối sống lành mạnh.

Trên đây là những thông tin về tình trạng bệnh mề đay cấp tính và mãn tính. Hy vọng qua bài viết này, bạn không chỉ có thể phân biệt hai loại bệnh lý trên mà còn có phương pháp điều trị cũng như cách phòng tránh hiệu quả.