Viêm Amidan: Uống Thuốc Gì & Có Phải Cắt Không

Viêm amidan là gì, bệnh có nguy hiểm không, điều trị như thế nào, khi nào cần cắt amidan… tất cả những thắc mắc của bạn đọc sẽ được Đại tá – Bác Sĩ Nguyễn Văn Loãn, nguyên trưởng khoa nội bệnh viện YHCT Bộ Công An giải đáp ngay sau đây.

Viêm amidan là gì

Hình ảnh viêm amidan
Hình ảnh viêm amidan

Viêm amidan cấp tính là tình trạng viêm sung huyết, viêm xuất tiết amidan. Bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây nên, thường thấy ở thời kỳ đầu của nhiều bệnh viêm nhiễm khác.

Viêm amidan mạn tính là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần. Tùy theo mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể, amidan có thể phát triển to lên (amidan quá phát) hoặc amidan có thể nhỏ lại (amidan xơ teo).

Viêm amidan ở trẻ em trên 5 tuổi chiêm tỉ lệ cao, bệnh thường do vi khuẩn gây ra. Nhưng vì biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác nên cha mẹ thường không chú ý.

Triệu chứng viêm amidan

Viêm sưng amidan là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên người trưởng thành vẫn có khả năng mắc bệnh nhưng với tỉ lệ ít hơn. Các biểu hiện khi amidan bị viêm như sau:

Viêm amidan cấp tính

Viêm cấp thường bắt đầu đột ngột với cảm giác rét run sau đó sốt 38-39 độC. Người mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, nước tiểu ít và sẫm màu, đại tiện táo bón.

Có cảm giác khô, rát, nóng ở trong họng, nhất là thành bên họng vị trí amidan. 1 đến 2 giờ sau biến thành đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng lên rõ rệt khi nuốt, khi ho.

Viêm nhiễm có thể lan xuống thanh quản, khí quản gây ho từng cơn, đau và có đờm nhầy, giọng khàn nhẹ.

Quan sát thấy lưỡi trắng, miệng khô, niêm mạc họng đỏ. Amidan sưng to và đỏ, có khi gần sát nhau ở đường giữa.

Đôi khi quan sát thấy amidan sưng đỏ và có những chấm mủ trắng ở miệng các hốc, dần biến thành một lớp mủ phủ trên bề mặt amidan, không lan đến các trụ, không dính chắc vào amidan, dễ chùi sạch, không chảy máu, để lộ niêm mạc amidan đỏ và nguyên vẹn. Đây là viêm amidan mủ, viêm amidan có mủ do vi khuẩn gây nên thường là: liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn.

Phân biệt viêm sưng amidan cấp và bệnh bạnh bầu
Phân biệt viêm sưng amidan cấp và bệnh bạnh bầu

Bên cạnh đó nếu quan sát thấy tổ chức lympho ở thành sau họng to và đỏ: đó là thể viêm amidan ban đỏ thường do virus gây nên.

Viêm amidan mãn tính

Triệu chứng viêm mãn tính khá ít, có khi không có triệu chứng gì. Biểu hiện thường thấy là người gầy yếu, da xanh, sờ lạnh, ngây ngấy sốt về chiều.

Bên cạnh đó người bệnh thường có cảm giác nuốt vướng ở họng đôi khi có cảm giác đau như có dị vật trong họng. Hơi thở thường xuyên hôi mặc dù vệ sinh răng miệng thường xuyên. Thỉnh thoảng có ho và khàn tiếng, viêm mãn tính ở trẻ em gây thở khò khè, ngủ ngáy to.

Quan sát thấy trên bề mặt amidan có nhiều khe và hốc. Các khe và hốc này chứa đầy chất bã đậu và thường có mủ màu trắng, thường gọi là viêm amidan hốc mủ.

Viêm amidan quá phát: Quan sát thấy amidan sưng to như hai hạt hạnh nhân ở hai bên thành họng lấn vào làm hẹp khoang họng, trụ trước đỏ. Amidan quá phát thường gặp ở trẻ em.

Chuẩn đoán xác định amidan quá phát
Chuẩn đoán xác định amidan quá phát

Viêm amidan xơ teo: Thể này thường gặp ở người lớn, biểu hiện amidan teo nhỏ, mặt gồ ghề, lỗ chỗ hoặc chằng chịt xơ trắng biểu hiện bị viêm nhiễm nhiều lần. Màu đỏ sẫm, trụ trước đỏ, trụ sau dầy. Amidan mất vẻ mềm mại bình thường, ấn vào amiđan có thể thấy phòi mủ hôi ở các hốc.

Nguyên nhân viêm amidan

Bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây nên, trong đó:

  • Vi khuẩn: liên cầu β tan huyết nhóm A, pneu hemophilus, tụ cầu, liên cầu, xoắn khuẩn, các chủng ái khí và yếm khí.
  • Virus: cúm, sởi, ho gà.
    Những người dễ mắc bệnh amidan
    Những người dễ mắc bệnh amidan

Các yêu tố thuận lợi gây bệnh:

  • Thời tiết thay đổi đột ngột (bị lạnh đột ngột khi mưa, độ ẩm cao…).
  • Ô nhiễm môi trường do khói bụi, điều kiện sinh hoạt thấp, vệ sinh kém.
  • Cơ thể người bệnh sức đề kháng kém, cơ địa dị ứng.
  • Người bệnh có các ổ viêm nhiễm ở họng, miệng: như sâu răng, viêm lợi, viêm V.A, viêm xoang và do đặc điểm cấu trúc giải phẫu của amidan có nhiều khe kẽ, hốc, ngách là nơi cư trú, ẩn náu và phát triển của vi khuẩn.

Viêm amidan có nguy hiểm không

Viêm amidan có tự khỏi không? đợt viêm cấp thường sẽ tự khỏi. Bệnh diễn biến khoảng 1  tuần, sau 3 – 4 ngày thì người bệnh hết sốt và các triệu chứng giảm dần. Tuy nhiên, bệnh hay tái phát và có thể gây nên các biến chứng.

Các biến chứng có thể gặp
Các biến chứng có thể gặp

Viêm nhiễm amidan nếu không được điều trị đúng và kịp thời, nhẹ thì gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống, nặng có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí có những biến chứng rất nguy hiểm.

  • Biến chứng cục bộ: Loét khe amiđan, sỏi amiđan, viêm tấy chung quanh amiđan, viêm tấy thành bên họng, viêm họng mạn tính.
  • Biến chứng gần: Viêm hạch cổ mạn tính, viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm thanh, khí, phế quản.
  • Biến chứng xa: Viêm khớp, viêm thận, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn huyết…

Điều trị viêm amidan cấp tính

Điều trị amidan cấp tính chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng. Chỉ dùng kháng sinh điều trị khi nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng.

Thuốc điều trị viêm amidan cấp tính cụ thể như sau:

  • Giảm đau, hạ sốt uống thuốc: paracetamol.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn dùng thuốc kháng sinh nhóm β lactam (iba-mentin 250mg; Acid cluvulanic 31,25mg) nếu dị ứng thì dùng nhóm macrolid (Erythromycin 500mg, Roxithromycin 150mg).
  • Súc miệng bằng các dung dịch kiềm ấm: bicarbonat natri, borat natri… (nửa thìa cà phê trong một cốc nước ấm).
  • Nâng đỡ cơ thể: yếu tố vi lượng, sinh tố, calci…

Ngoài ra người bệnh nên nghỉ ngơi, ăn nhẹ, uống nước nhiều, tránh dùng các chất kích thích, nhỏ mũi bằng thuốc sát trùng nhẹ.

Đợt viêm cấp thường diễn tiến khoảng 1 tuần, sau 3-4 ngày thì người bệnh hết sốt, các triệu chứng đau, rát họng giảm dần.

Điều trị viêm amidan mạn tính

Sử dụng thuốc điều trị viêm amidan mãn tính không phải là giải pháp tối ưu, bởi thuốc kháng sinh chỉ hiệu quả với vi khuẩn, ít hiệu quả với virus nên bệnh dễ tái phái. Bên cạnh đó, dùng thuốc trong thời gian dài dễ gây ra tình trạng nhờn thuốc. Do vậy, vấn đề điều trị amidan mạn tính chủ yếu là cân nhắc phẫu thuật cắt amidan.

Phẫu thuật cắt amiđan hiện nay là rất phổ biến, tuy nhiên cần có chỉ định chặt chẽ. Chỉ cắt khi nào amidan thực sự trở thành một ổ viêm gây hại cho cơ thể.

Cắt amidan khi nào
Cắt amidan khi nào

Cắt amidan khi nào

  • Amidan viêm mạn tính nhiều lần, thường là 5 – 6 lần trong một năm.
  • Amidan viêm mạn tính gây biến chứng viêm tấy, áp xe quanh amidan.
  • Amiđan viêm mạn tính gây biến chứng viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tấy hạch dưới hàm hoặc thành bên họng…
  • Amidan viêm mạn tính gây biến chứng xa: viêm màng trong tim, viêm cầu thận, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nhiễm khuẩn huyết.
  • Viêm amidan mãn tính quá phát gây khó thở, khó nuốt, khó nói.

Không được cắt amidan khi nào

Chống chỉ định tuyệt đối

  • Người bệnh mắc các hội chứng chảy máu: bệnh ưa chảy máu, rối loạn đông máu.
  • Người bệnh mắc các bệnh nội khoa như: cao huyết áp, suy tim, suy thận.

Chống chỉ định tương đối:

  • Khi người bệnh đang có viêm họng cấp tính hay đang có biến chứng áp xe amidan.
  • Khi người bệnh đang có viêm, nhiễm khuẩn cấp tính như: viêm mũi, viêm xoang, mụn nhọt.
  • Khi người bệnh đang có viêm, nhiễm virus cấp tính như: cúm, sởi, ho gà, bại liệt, sốt xuất huyết…
  • Khi người bệnh đang có biến chứng như: viêm thận cấp, thấp khớp cấp… thì phải điều trị ổn định, hết đợt cấp mới được cắt.
  • Khi người bệnh đang có bệnh mạn tính chưa ổn định như: đái tháo đường, viêm gan, lao, bệnh giang mai, AIDS…
  • Phụ nữ đang thời kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai hoặc đang nuôi con bú.
  • Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Người quá yếu, trẻ quá nhỏ, người trên 50 tuổi.
  • Thận trọng: trong các trường hợp dùng các thuốc nội tiết tố, hoặc thuốc giảm đau trước đó, bệnh nhân đang đợt tiêm chủng, địa phương đang có dịch truyền nhiễm…

Phương pháp cắt amidan

Trước đây thường phẫu thuật dưới gây tê tại chỗ bằng các phương pháp: Sluder và Anse.

Ngày nay chủ yếu là phẫu thuật dưới gây mê nội khí quản bằng các phương pháp Anse hoặc trực tiếp bằng dao điện đơn cực hay lưỡng cực, cắt bằng Laser, Coblator, dao siêu âm….

Viêm amidan kiêng ăn gì

Ngoài việc điều trị kịp thời và đúng phương pháp thì chế độ ăn uống cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới thời gian và khả năng phụ hồi của người bệnh. Do vậy, người bị viêm amdian cần kiên những thực phẩm sau:

Không nên ăn những thực phẩm cay nóng (ảnh minh họa)
Không nên ăn những thực phẩm cay nóng (ảnh minh họa)
  • Thực phẩm cay nóng.
  • Thực phẩm khô, cứng, thô ráp.
  • Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ.
  • Thực phẩm tươi sống.
  • Đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Không hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng chất kích thích.

Viêm amidan ăn gì

Một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học không những giúp ngươi bệnh giảm các triệu chứng khó chịu mà còn hỗ trợ quá trình điều hiệu quả. Do vậy người bệnh nên ăn những thực phẩm sau:

  • Thực phẩm giàu vitamin C: cam, quýt, dâu tây, chanh dây, lựu.
  • Thực phẩm giàu kẽm: thị bò, hạt điều, óc chó, rong biển.
  • Thực phẩm chống viêm kháng khuẩn: gừng, nghệ, mật ong.
  • Thực phẩm giàu protein: thịt gà, trứng, sữa, cá hồi.

Bên cạnh đó người bệnh nên ăn những loại thức ăn mềm dễ nuốt, các món canh, súp, cháo… để giảm các kích thích lên amidan.

Phòng bệnh viêm amidan

Để phòng tránh bệnh tái phát nhiều lần gây ra mãn tính, khó điều trị. Người bệnh nên thực hiện tốt một số lưu ý sau:

  • Giữ vệ sinh môi trường sống, đặc biệt những người có sức đề kháng kém, có cơ địa dị ứng.
  • Có biện pháp phòng tránh, bảo vệ bản thân tốt khi có những vụ dịch liên quan đến dường hô hấp, khi thời tiết giao mùa…
  • Điều trị triệt để các bệnh lý mũi họng như viêm V.A, viêm mũi, viêm xoang mạn tính, viêm răng miệng…
  • Luyện tập thể dục, thể thao, sử dụng các thuốc bổ tăng cường sức đề kháng của bản thân.

Trên đây là những kiến thức cần biết về bệnh viêm amidan. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp các bạn những kiến thức bổ ích giúp chữa trị và phòng tránh các bệnh tai mũi họng hiệu quả, chúc các bạn luôn khỏe mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *