Viêm da cơ địa mùa lạnh (hay viêm da cơ địa mùa đông) là hiện tượng da bị bong tróc, ngứa ngáy, khó chịu do thời tiết hanh khô. Nguyên nhân bởi da bị thiếu độ ẩm trầm trọng. Theo thống kê khoa học, hầu hết các trường hợp bị viêm da cơ địa đều tái phát vào mùa đông, gây khó khăn cho việc chữa trị. Để đề phòng và đối phó với căn bệnh dai dẳng chúng ta cần phải làm gì? Hãy cùng bổ sung cho mình những kiến thức về chăm sóc sức khỏe qua bài viết dưới đây.
Vì sao viêm da cơ địa mùa đông thường nghiêm trọng và dễ tái phát hơn?
Viêm da cơ địa là bệnh lý tổn thương do viêm nhiễm da, thường xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng. Các triệu chứng người bệnh thường gặp phải đó là ngứa ngáy, khó chịu, khô da và bong tróc da thành từng mảng nhỏ. Bệnh không lây qua tiếp xúc thông thường giữa người với người. Viêm da cơ địa thường bùng phát mạnh mẽ khi thời tiết chuyển lạnh và hanh khô. Chính vì vậy, viêm da cơ địa mùa đông thường chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với những mùa khác trong năm.

Vào mùa đông, các đợt không khí lạnh kèm theo gió mùa thổi khiến không khí trở nên hanh khô kết hợp với việc sử dụng các biện pháp sưởi ấm của con người khiến cho viêm da cơ địa rất dễ tái phát. Cùng với đó là việc tắm nước nóng và sử dụng ga trải giường quá dày khiến cho da mất đi độ ẩm tự nhiên, là nguyên nhân dẫn đến việc khởi phát bệnh.
Biểu hiện lâm sàng của viêm da cơ địa mùa lạnh
Hầu hết các trường hợp mắc viêm da cơ địa, người bệnh đều sẽ nhận thấy những bất thường về tính chất của da. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh bao gồm giai đoạn cấp tính, bán tính và mãn tính.
- Giai đoạn cấp tính: Da sẽ có những nốt sần, ban đỏ và mụn nước. Mụn nước có khi kết hợp lại thành từng mảng và không có vảy da. Các vùng da bị ảnh hưởng sẽ bị phù nề, ứ dịch và đóng vảy dạng vảy tiết. Mụn nước và mẩn đỏ thường xuất hiện phổ biến tại các vùng như má, trán, cằm, lan ra toàn thân và tay chân trong những trường hợp bệnh tiến triển nặng.
- Giai đoạn bán tính: Da không còn tình trạng tiết dịch và phù nề, khiến người bệnh chủ quan lơ là việc chữa trị.
- Giai đoạn mãn tính: Vào giai đoạn này người bệnh phải đối diện với tình trạng tăng sừng, liken hóa tại các mảng nổi gồ lên bề mặt da khiến người bệnh vô cùng tự ti. Mảng liken thường xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, mặt trước sau của các nếp gấp khuỷu, hố khoeo và vùng da gáy. Những tổn thương mãn tính này thường rất khó chữa trị và tỷ lệ tái phát cao. Vòng xoắn bệnh lý khiến bệnh nhân ngứa và gãy khiến cho bệnh khó điều trị một cách dứt điểm, tái đi tái lại và hao tốn nhiều thời gian, tiền bạc.

Chính vì vậy, khi nhận thấy làn da của mình có những triệu chứng bất thường bạn cần theo dõi và tới gặp các bác sỹ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng sẽ dẫn tới hậu quả khó lường.
Cách đối phó với viêm da cơ địa mùa lạnh
Để ngăn ngừa việc viêm da cơ địa mùa đông tái phát, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau.
Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột
Khi bước vào mùa đông, làn da mỏng manh thường xuyên phải trải qua sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi ở trong nhà và ngoài trời dẫn đến việc giãn nở lỗ chân lông liên tục, gây mất độ ẩm tự nhiên khiến da trở nên khô ráp. Da khô, bong tróc sẽ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới viêm da cơ địa.
Để hạn chế tình trạng này, bạn nên chú ý tránh để da tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột bằng cách đeo găng tay, quàng khăn, đội mũ len, mặc thêm áo ấm khi đi ra ngoài. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần chú ý một số vấn đề trong sinh hoạt để da tránh bị những tác động do thay đổi nhiệt độ:
- Bảo vệ những khu vực nhạy cảm thường bị viêm da cơ địa như bàn tay, bàn chân, vùng cổ và gáy
- Tránh tiếp xúc với nước nóng khi cơ thể đang bị lạnh. Không nên tắm hoặc rửa tay bằng nước nóng ngay khi vừa mới đi ngoài trời lạnh về
- Không nên tắm nước quá nóng sẽ khiến da bị khô và mất nước
Thường xuyên bổ sung độ ẩm cần thiết cho da
– Sử dụng kem dưỡng ẩm

Giữ ẩm là một biện pháp quan trọng giúp bệnh nhân kiểm soát tình trạng viêm da cơ địa mùa đông. Khi thời tiết trở lạnh và hanh khô, người bệnh cần thường xuyên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để bổ sung độ ẩm cần thiết cho da. Nên chọn những loại kem có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thành phần từ thiên nhiên, lành tính và không gây kích ứng da. Luôn mang theo một lọ kem dưỡng ẩm khi đi ra ngoài để bổ sung khi cần thiết.
– Uống nhiều nước
Vào mùa đông, bạn cần uống từ 2-2,5 lít nước một ngày để đủ cung cấp độ ẩm cho da. Tuy nhiên, chúng ta thường có xu hướng uống ít nước hơn vào mùa lạnh khiến cho cơ thể bị thiếu nước. Hãy bổ sung ngày cho cơ thể lượng nước cần thiết để giảm tình trạng viêm da cơ địa mùa lạnh. Có thể sử dụng nước lọc, nước ép trái cây và các loại canh trong bữa cơm hàng ngày để có một lượng nước cần thiết.
Xây dựng chế độ ăn phù hợp
Người bệnh nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống khoa học và phù hợp với tình trạng bệnh lý để tránh tình trạng viêm da cơ địa tái phát vào màu đông. Có thể tham khảo ý kiến của bác sỹ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để biết viêm da cơ địa kiêng ăn gì từ đó xây dựng được một thực đơn phù hợp nhất.

Các chuyên gia khuyên những bệnh nhân viêm da cơ địa nên bổ sung thêm vitamin D vào mùa đông để giúp cải thiện tình trạng viêm da cơ địa bằng việc phơi nắng vào sáng sớm hoặc sử dụng các loại thực phẩm có chứa vitamin D.
Sử dụng thuốc Tây y để kiểm soát viêm da cơ địa mùa lạnh
Bên cạnh những lưu ý trong sinh hoạt và chăm sóc da, bệnh nhân mắc viêm da cơ địa cần kiểm soát những triệu chứng bệnh lý bằng các loại thuốc phù hợp. Một số loại thuốc điều trị viêm da cơ địa thường được bác sỹ kê theo đơn bao gồm:
- Thuốc chống viêm dạng bôi, uống hoặc tiêm
- Kem và mỡ bôi da dưỡng ẩm
- Kháng sinh cần thiết trong trường hợp viêm nhiễm nặng có dấu hiệu nhiễm trùng
- Kem bôi ngoài da giúp giảm ngứa
Lưu ý, khi sử dụng các loại thuốc Tây y bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc mua theo đơn bác sỹ kê, tránh trường hợp sử dụng thuốc tự phát sẽ gây ra những hậu quả khó lường.
Những lưu ý phòng tránh viêm da cơ địa vào mùa đông
Cũng như việc điều trị viêm da cơ địa việc phòng ngừa bệnh tái phát còn gặp nhiều khó khăn vì các chuyên gia y tế chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh. Một số biện pháp được các bác sỹ khuyến cáo thực hiện để giảm khả năng xuất hiện bệnh bao gồm:
- Giữ vệ sinh da sạch sẽ, hạn chế gãi hoặc chà xát gây tổn thương bề mặt da. Đối với trẻ nhỏ nên cắt ngắn móng tay thường xuyên để tránh làm trầy xước da
- Luôn cấp ẩm cho da, đặc biệt khi thời tiết hanh khô
- Sử dụng các loại quần áo làm từ chất liệu mỏng, mềm mại, ít kích ứng
- Đảm bảo vệ sinh môi trường sống luôn sạch sẽ, không khí trong lành
- Giữ ấm cơ thể, tránh để thay đổi nhiệt độ đột ngột
- Chỉ nên sử dụng nước ấm, không sử dụng nước quá nóng khi tắm rửa vệ sinh cơ thể
- Không sử dụng những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, loại mỹ phẩm có chứa hóa chất độc hại
- Nếu gia đình có tiền sử mắc viêm da cơ địa hoặc các bệnh dị ứng khác, gia đình không nên nuôi chó mèo hoặc các thú nuôi có lông khác vì lông của chúng được xem là tác nhân gây dị ứng trong nhiều trường hợp.

- Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sỹ chuyên môn.
Bài viết trên đây đã cung cấp thêm cho bạn những kiến thức về cách đề phòng và đối phó với viêm da cơ địa vào mùa lạnh. Nếu tình trạng bệnh ngoài tầm kiểm soát, hãy đến ngay các cơ sở Y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!