Viêm da cơ địa và vảy nến đều là những căn bệnh khiến da ửng đỏ, bong tróc, gây ngứa ngáy và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Tuy có nhiều triệu chứng giống nhau nhưng nguyên nhân và cách chữa trị cho từng loại bệnh có những nguyên tắc riêng. Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt viêm da cơ địa và vảy nến. Từ đó hiểu rõ hơn cơ chế của bệnh để có những cách phòng ngừa và chữa trị hiệu quả.
Tìm hiểu khái niệm chung
Viêm da cơ địa (hay còn gọi là chàm thể tạng) là một dạng viêm da dị ứng mãn tính, bệnh thường xuất hiện ở trẻ em nhưng cũng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, một số ít (khoảng 3%) xuất hiện ở người lớn. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây cho người bệnh những ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thường ngày. Đặc trưng bởi những nốt mẩn đỏ hoặc đơn giản là các đám khô da mất sắc tố tự nhiên.

Vảy nến là một loại bệnh mãn tính, thường dai dẳng trong suốt đời bệnh nhân. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Đặc trưng của vảy nến đó là xuất hiện những nốt sẩn đỏ và vẩy dễ bong tróc có màu trắng ánh bạc.
Viêm da cơ địa, vảy nến là hai loại bệnh có những biểu hiện tương đối giống nhau nên rất dễ nhầm lẫn. Việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Biểu hiện lâm sàng của viêm da cơ địa và vảy nến
Biểu hiện lâm sàng của viêm da cơ địa
- Da nổi nốt ban màu đỏ, có hình tròn, sờ vào sẽ thấy sần sùi, thô ráp và thường nổi những bọng nước nhỏ li ti
- Ngứa ngáy, khó chịu tại vùng da bị tổn thương
- Phù nề da: Da sẽ dày cộm hơn so với bình thường với chất lỏng bên trong, kèm theo cảm giác nóng bức khó chịu khi đổ mồ hôi
- Da bị đóng vảy và xuất hiện những vết chàm: khi vỡ bọng nước, dịch chảy ra ngoài. Lâu dần vết thương sẽ đóng vảy và nứt dần tạo thành vảy phấn
- Kèm theo những triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ và chán ăn

Biểu hiện lâm sàng của bệnh vảy nến
Những đặc trưng của bệnh vảy nến khá khác biệt, vì thế việc nhận biết sẽ không quá khó:
- Bề mặt da xuất hiện những tổn thương có màu đỏ, sưng lên và có biểu hiện viêm. Đốt sưng có hình giọt nước, đường kính dao động từ vài cm đến 10-20cm tùy theo từng cơ địa và tình trạng bệnh.
- Tại vùng da tổn thương xuất hiện tình trạng đóng vảy, có bong tróc
- Khi bệnh nặng, vùng da bị tổn thương sẽ chảy máu khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn
- Bệnh thường xuất hiện ở những khu vực da dày như khuỷu tay hay đầu gối
- Vảy nến cũng có thể gây nên tình trạng ngứa ngáy cho người bệnh
Những đối tượng nào có thể mắc viêm da cơ địa và vảy nến?
Bất kỳ ai cũng có thể mắc hai căn bệnh này, tuy nhiên bệnh viêm da cơ địa thường xuất hiện ở trẻ em trong khi bệnh vảy nến thường xuất hiện phổ biến ở độ tuổi từ 20-40. Nguyên nhân chính xác của viêm da cơ địa, vảy nến chưa được xác định cụ thể nhưng bệnh có liên quan đến sự thay đổi của hệ miễn dịch và có yếu tố di truyền. Một số thói quen có thể khiến bạn dễ mắc viêm da cơ địa vảy nến hơn bao gồm:
- Sử dụng những chất gây kích ứng da như xà phòng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, lông chó mèo, thực phẩm nhiễm chất độc hại,…
- Mặc quần áo bó sát, chất vải khó thấm hút mồ hôi
- Tắm rửa bằng nước nóng khiến da bị khô, mất đi độ ẩm tự nhiên
- Thường xuyên thay đổi đột ngột nhiệt độ cơ thể (nhiệt độ trong nhà và ngoài trời chênh lệch nhiều)
- Môi trường sống ô nhiễm
- Thường xuyên chà xát tay lên cơ thể (gãi ngứa,…)
- Chấn thương ngoài da: Một số chấn thương đã tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công, hình thành bệnh
Biến chứng của bệnh viêm da cơ địa và vảy nến
Đối với bệnh viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không chữa trị dứt điểm sẽ gây nên những biến chứng không mong muốn sau đây:
- Viêm da cơ địa bội nhiễm do virus gây ra cực kỳ nguy hiểm với người bệnh. Trong trường hợp viêm da do virus có thể gây sốt, tổn thương nội tạng, thậm chí có thể gây tử vong nếu bệnh quá nặng.
- Ảnh hưởng đến thị giác: Trong những trường hợp viêm da cơ địa vùng quanh mắt sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng viêm kết mạc, viêm mí mắt,…
- Để lại sẹo: Đây là điều khó tránh khỏi đối với những người mắc bệnh ngoài da, gây mất thẩm mỹ cho vùng da từng bị tổn thương
- Biến chứng khác: Những người bị viêm da cơ địa có những biến chứng khác như suy hô hấp, hen suyễn, hen phế quản,…
Đối với bệnh vảy nến
Người mắc bệnh vảy nến không được chữa trị kịp thời sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm:
- Biến chứng đối với thận: Sức khỏe của thận có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu người bệnh không điều trị vảy nến hoặc tự ý sử dụng thuốc khi chưa được sự đồng ý của bác sỹ có chuyên môn
- Biến chứng đối với tim mạch và huyết áp: Nhiều loại thuốc điều trị vảy nến hiện nay có khả năng gây nên tình trạng đau tim, xơ vữa động mạch, đột quỵ,…
- Biến chứng chuyển hóa trong cơ thể: Người mắc bệnh vảy nến có nguy cơ mắc bệnh béo phì, tăng huyết áp và nhiều rối loạn chuyển khác trong cơ thể
- Biến chứng về tâm lý: Những người bị bệnh ngoài da như vẩy nến thường có tâm lý tự ti, mặc cảm
Cách điều trị viêm da cơ địa và vảy nến
Để nhanh chóng phục hồi và tình trạng bệnh có diễn biến tích cực, các bệnh nhân cần kết hợp thay đổi lối sống sinh hoạt hàng ngày một cách khoa học đồng thời kết hợp sử dụng thuốc. Một số biện pháp người bệnh có thể áp dụng để hỗ trợ điều trị viêm da cơ địa và vảy nến đó là:
- Có lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe
- Tham khảo ý kiến của các chuyên gia để biết viêm da cơ địa, vẩy nến nên kiêng ăn gì, từ đó xây dựng chế độ ăn uống điều độ
- Tránh sử dụng những loại xà phòng, sữa tắm gây kích ứng da
- Uống nhiều nước và sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để bổ sung độ ẩm cần thiết cho da
- Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột của cơ thể

Bên cạnh đó, một số loại thuốc thường được bác sỹ kê theo đơn để điều trị viêm da cơ địa và vảy nến để bệnh nhân nhanh chóng phục hồi. Người bệnh nên lưu ý chỉ sử dụng thuốc khi có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sỹ có chuyên môn, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Đối với bệnh viêm da cơ địa
- Glucocorticoid: Loại thuốc này thường được bác sỹ kê khi viêm da cơ địa đang ở dạng cấp tính. Thường được sử dụng 2 lần/ngày, giảm liều dùng khi đã kiểm soát được bệnh. Tác dụng phụ khi sử dụng loại thuốc này sẽ tùy thuộc vào liều lượng và thời gian sử dụng thường gặp nhất là gây rạn da, nổi mụn trứng cá, teo da,… Những loại glucocorticoid có tác dụng mạnh được chỉ định cho những vùng da dày sừng và trong thời gian ngắn, tuyệt đối không được dùng lên mặt và những vùng da mỏng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
- Thuốc kháng histamin: được bác sỹ kê với mục đích giảm ngứa hiệu quả. Người bệnh thường sử dụng loại thuốc này dưới dạng uống hoặc tiêm vào buổi tối trước khi đi ngủ. Dù loại thuốc này có tác dụng đáng kể, tuy nhiên lại ít khi được sử dụng do bệnh thường tái phát mạnh hơn khi bệnh nhân ngưng thuốc.
- Ngoài những loại thuốc tây y, bệnh nhân cùng có thể tìm đến điều trị viêm da cơ địa bằng thuốc nam ít gây tác dụng phụ như lá trầu không, lá chè xanh,… Tuy nhiên mức độ hiệu quả còn tùy thuộc vào cơ địa từng người và những bài thuốc này thường chỉ được áp dụng với những bệnh nhân viêm da cơ địa dạng nhẹ hoặc mới phát bệnh.

Đối với bệnh vảy nến
Thông thường, người bệnh sẽ được bác sỹ kê một số loại thuốc sau:
- Thuốc mỡ Salicylic: Giúp bong lớp vảy nến trên da một cách hiệu quả
- Thuốc mỡ Corticoid: Chống viêm, giảm đau và ngăn ngừa các tổn thương vùng da viêm nhiễm. Tuy nhiên, người bệnh không được lạm dụng loại thuốc này vì dễ dẫn đến tác dụng phụ
- Thuốc mỡ có Vitamin A: Loại thuốc này giúp ổn định các tế bào bị sừng hóa trên da, ngăn ngừa khô da và giảm ngứa hiệu quả
- Điều trị vảy nến toàn thân, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc bao gồm: Losartan, Cyclosporin, Methotrexate, Tigason,… Người bệnh nên lưu ý sử dụng đúng theo liều lượng bác sỹ kê trong đơn vì những loại thuốc này dễ đến tình trạng rối loạn chức năng gan, suy thận, giảm bạch cầu,… vô cùng nguy hiểm.
Hy vọng những thông tin từ bài viết sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức hữu ích để phân biệt bệnh viêm da cơ địa và vảy nến. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh!