Ho gà là một bệnh ở đường hô hấp thường xuất hiện ở trẻ nhỏ hoặc những người có hệ miễn dịch kém. Đây cũng là một dạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính. Đặc biệt, triệu chứng bệnh ho gà ban đầu lại khá giống những loại ho khác nên thường không được để ý.
Chỉ đến khi bệnh nặng mới phát hiện ra thì đã để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Do đó, tìm hiểu về căn bệnh này là cách phòng bệnh thông minh nhất giúp bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người thân yêu. Theo thống kê, hàng năm bệnh ho gà đã cướp đi mạng sống của hơn 300.000 người trên thế giới, trong đó chủ yếu là trẻ em dưới 1 tuổi. Đây là loại bệnh đường hô hấp cực kì nguy hiểm, rất dễ lây lan từ người sang người.
Bệnh ho gà là gì
Ho gà (tên tiếng anh là pertussis hoặc whooping cough) là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ và người dân ở các nước kém phát triển. Bệnh rất dễ lây lan vì nó có thể lây từ người sang người qua đường hô hấp.
Thời gian ủ bệnh của ho gà thường từ 7 đến 20 ngày. Bệnh lây truyền mạnh nhất trong giai đoạn đầu, càng sau thì tính lây truyền càng giảm và mất đi hoàn toàn sau 3 tuần bị ho gà.
Dù lúc này người bệnh vẫn bị những cơn ho dai dẳng. Tuy nhiên, thời gian lây truyền có thể được rút ngắn xuống khoảng 5 ngày nếu như bệnh nhân được điều trị kháng sinh có hiệu lực kịp thời.
Nguyên nhân ho gà
Tác nhân duy nhất gây bệnh là vi khuẩn Bordetella pertussis, thuộc giống Bordetella gây ra. Vi khuẩn này bám vào các nhung mao lót ở phía trong một phần đường hô hấp, rồi giải phóng độc tố, khiến các nhung mao bị tổn thương và gây viêm nhiễm và gây bệnh ho ở trẻ.
Khi tiếp xúc gần với người bị ho gà hoặc sống cùng với người bệnh trong môi trường không khí hẹp như gia đình, trường học,.. sẽ dễ hít phải vi khuẩn ho gà do bệnh nhân ho, hắt hơi và nhiễm bệnh. Tỉ lệ lây lan đối với những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân trong cùng gia đình là khoảng 90-100%. Trẻ em thường bị lây bệnh từ ông bà, bố mẹ, anh chị em hoặc người chăm sóc bé.
Những người này có thể không biết rằng mình đang mang bệnh. Lí do là vì triệu chứng ho gà thường chỉ xuất hiện trong vòng 5-7 ngày sau khi phơi nhiễm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp triệu chứng ho gà không hề có bất kì biểu hiện gì trong khoảng 3 tuần đầu nên rất khó phát hiện.
Triệu chứng ho gà
Ho gà là căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thậm chí cả người lớn. Triệu chứng bệnh ho ban đầu khá giống với cảm lạnh nên thường ít được chú ý cho tới khi xuất hiện triệu chứng ho gà nặng hơn.
Với những gia đình có trẻ sơ sinh thì cần đặc biệt lưu ý những dấu hiệu của bệnh ho gà để có thể có phương án chữa trị kịp thời và hiệu quả.

Giai đoạn đầu (khoảng 1-2 tuần đầu)
Có dấu hiệu giống như cảm lạnh thông thường với những triệu chứng như sốt nhẹ hoặc không sốt, ho nhẹ hoặc thúng thắng, chảy nước mũi.
Đối với trẻ sơ sinh, thì triệu chứng ho có thể ít hơn, thậm chí là không có. Tuy nhiên triệu chứng ho gà khá phổ biến ở đối tượng này đó là ngừng thở. Đây là tình trạng tạm dừng hô hấp của trẻ và phải kịp thời đưa đến bệnh viện.
Giai đoạn tiến triển (Sau 2 tuần)
Đến lúc này, nếu vẫn chưa được chữa trị thì ho bắt đầu nặng hơn và nhiều hơn. Cơn ho gà khá đặc trưng, biểu hiện là người bệnh thường ho dữ dội, ho nhanh, liên tục, không thể kìm hãm được, rồi chuyển sang giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy.
Sau khi ho xong thì thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và cuối cùng là nôn. Ở thiếu niên và người trưởng thành, đặc biệt là người đã tiêm chủng thì ít xuất hiện tiếng thở rít hơn và nhiễm trùng cũng thường nhẹ hơn. Có thể tóm tắt lại những triệu chứng ho gà ở các ca bệnh lâm sàng giai đoạn này đó là:
- Ho từng cơn liên tục, ho rũ rượi, kéo dài, sau cơn ho có thể tím tái hoặc ngừng thở.
- Thường thở rít giống tiếng gà gáy sau mỗi cơn ho
- Sau cơn ho thường bị nôn. Lúc đầu sẽ nôn thức ăn, sau đó là đến nước dãi trong suốt.
- Người bệnh cảm thấy mệt bơ phờ, đầm đìa mồ hôi và thở gấp sau khi ho.
Ho gà có nguy hiểm không
Ai cũng có khả năng bị nhiễm ho gà và thường được miễn dịch lâu dài sau khi mắc bệnh. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bị mắc bệnh lần 2.
Ho gà có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là với những bé chưa được tiêm phòng đầy đủ, dễ bị tái phát và thậm chí dẫn đến tử vong.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi
50% số trẻ em dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà đều phải nhập viện. Trẻ càng nhỏ thì việc đến bệnh viện để điều trị càng cần thiết. Bố mẹ không nên để trẻ ở nhà để tự điều trị hoặc tự ý mua các loại thuốc kháng sinh cho trẻ uống. Các biến chứng ho gà thường gặp nhất đó là:
- Viêm phổi (nhiễm trùng phổi), bít tắc tiểu phế quản
- Co giật khó kiểm soát
- Thở chậm hoặc ngừng thở
- Thiếu oxy não, mắc bệnh về não
- Tử vong do suy hô hấp (chiếm tỉ lệ không lớn nhưng vẫn có khả năng xảy ra)
- Thiếu niên và người trưởng thành

Ở lứa tuổi này thì những biến chứng do bệnh ho gà để lại sẽ ít nguy hiểm hơn, đặc biệt là nếu bạn đã từng được tiêm vắc xin đầy đủ. Tuy nhiên không vì thế mà mọi người có thể chủ quan khi mắc bệnh ho gà ở tuổi này. Đối với trẻ thiếu niên và người trưởng thành thì những biến chứng thường gặp nhất đó là:
- Sút cân
- Mất kiểm soát bàng quang
- Bất tỉnh
- Gẫy xương sườn do họ nặng (chiếm khoảng 4% các ca nhiễm bệnh)
Điều trị bệnh ho gà
Tuy rất nguy hiểm nhưng ho gà lại có thể điều trị bằng thuôc kháng sinh trị ho. Đối với căn bệnh này thì việc điều trị sớm rất quan trọng, nhất là từ trước khi những cơn ho xuất hiện, sẽ khiến nhiễm trùng ít nghiêm trọng hơn.
Việc điều trị sớm cũng giúp dự phòng lây bệnh cho những người đã có nhiều thời gian ở cạnh bệnh nhân. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc giảm ho, long đờm, kháng histamine, an thần,…vì chúng không những không có hiệu quả mà còn có tác dụng phụ, gây nguy hiểm.
Ho gà có thể điều trị bằng thuốc như sau:
- Erythromycine 30–50 mg/kg/24 giờ chia 4 lần uống hoặc Cotrimoxazole 30–50 mg/kg/24 giờ.
- Prednisolone 1 – 2 mg/kg/ngày.
- Salbutamol 0,2 mg/kg/ngày.
Đối với trẻ sơ sinh chống chỉ định với Cotrimoxazole. Tuy nhiên việc sử dụng đơn thuốc ho trên cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Sau 3 tuần bị bệnh thì việc điều trị gần như không còn có ích gì vì vi khuẩn gây ho đã biến mất khỏi cơ thể của bạn, dù bạn vẫn có triệu chứng ho dai dẳng. Đối với trẻ sơ sinh sinh thì cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện vì đây là đối tượng dễ có nguy cơ bị các biến chứng nặng do ho gà gây ra nhất.
Chăm sóc trẻ bị ho gà
Bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ nên chăm sóc con sao cho đúng cách để bé mau chóng hồi phục là điều rất quan trọng. Dưới đây là cách chăm sóc trẻ bị họ gà mà cha mẹ nên biết:
- Cho trẻ ngồi vào lòng bạn và giữ bé hơi nghiêng về phía trước. Nên chuẩn bị sẵn một cái chậu để bé có thể khạc nhổ đờm và nôn sau khi ho.
- Vệ sinh răng miệng và mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lí để sát khuẩn.
- Cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ, vào bất cứ lúc nào với chế độ ăn giàu dinh dưỡng. Nếu bé còn đang trong giai đoạn bú mẹ thì các bà mẹ nên cho bé bú sau khi cơn ho đã ổn định.
- Hãy tạo không khí giúp bé thoải mái, vui vẻ để làm giảm đi những cơn ho.
- Tránh xa môi trường có khói thuốc lá, khói than, các chất độc hại vì có thể khiến đường hô hấp bị kích thích, làm ho nặng hơn.
- Nếu sau khi ho xong mà thấy người trẻ bị tím tái thì cần đưa ngay đến gặp bác sĩ để được khám chữa kịp thời.
- Tuân thủ phác đồ điều trị ho gà và liệu trình sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc, đổi thuốc nếu chưa được sự đồng ý.
- Nên cho trẻ ăn uống nhiều chất lỏng như nước lọc, nước trái cây, súp và hoa quả để dự phòng mất nước.
- Nếu thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng mất nước như miệng khô và dính, khát, tiểu ít, tã ít ướt hơn, không có nước mắt khi khóc, buồn ngủ, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt,…thì cần ngay lập tức báo với bác sĩ.
Phòng tránh dịch ho gà
Sau khi biết được nguyên nhân, triệu chứng ho gà cũng như các biến chứng nguy hiểm của bệnh thì mọi người nên thực hiện những việc sau đây để có thể phòng tránh căn bệnh nghiêm trọng này:
- Vệ sinh nhà ở, trường học, lớp học,…sạch sẽ, thông thoáng và đảm bảo đủ ánh sáng.
- Tiêm vắc xin DTP đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, tiêm vắc xin là phương thức phòng bệnh hiệu quả nhất.
- Những người thường xuyên tiếp xúc với người bị ho gà thì cũng có thể được khuyên dùng kháng sinh dự phòng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh, tùy theo từng mức độ nghiêm trọng.
- Sát trùng tẩy uế dịch mũi họng và các đồ dùng bị nhiễm bẩn của bệnh nhân. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh trong 2 tuần đầu tiên.
- Luôn vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn tối thiểu 20 giây trước khi ăn và sau khi gặp gỡ bệnh nhân ho gà .
- Người mắc bệnh ho gà không nên khạc nhổ bừa bãi để tránh nguy cơ lây bệnh ra cho cộng đồng. Luôn che miệng và mũi bằng khăn giấy khi hắt hơi hoặc ho.
- Nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất, không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên,…
Ho gà tuy nguy hiểm nhưng không phải là không có cách ngăn ngừa và điều trị. Để phòng ngừa sự lây lan thì thực hiện vệ sinh tốt là điều vô cùng cần thiết.
Quan trọng nhất là khi trẻ bị ho cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà đúng thời gian và số mũi quy định để đẩy lùi căn bệnh này ra khỏi cuộc sống của trẻ.
Xem thêm:
- Mẹo trị ho bằng chanh muối đơn giản
- Bài thuốc trị ho lâu ngày an toàn hiệu quả
- Những món ăn trị ho bạn cần biết