Bệnh ho lao: Nguyên nhân triệu chứng & Cách điều trị

Ho lao là một trong “tứ chứng nan y”, đã từng cướp đi sinh mạng của nhiều người. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, y tế thì bệnh ho lao đã có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Tuy nhiên, mọi người không nên chủ quan vì những triệu chứng ho lao khá giống với các bệnh ho khác nên dễ bị nhầm lẫn, dẫn đến tình trạng điều trị muộn, gây ra hậu quả nặng nề.

Bệnh ho lao là gì

Ho lao là bệnh do trực khuẩn lao gây ra. Vi khuẩn gây bệnh lao có tên khoa học là Mycobacterium Tuberculosis (MTB). Chúng lây truyền qua không khí, sau đó khi có cơ hội xâm nhập vào cơ thể con người sẽ tấn công và hủy hoại mô cơ thể.

Đặc biệt, vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis có khả năng chống lại các tế bào miễn dịch của cơ thể. Bệnh này cũng có thể đã tiềm tàng trong nhiều người, nhưng đến khi hệ miễn dịch kém, sức khỏe đi xuống mới bắt đầu xuất hiện và gây ra các triệu chứng bệnh ho lao.

Ho lao có thể gây tử vong ở trẻ
Ho lao có thể gây tử vong ở trẻ

Bệnh ho lao được cảnh báo rất nguy hiểm bởi lẽ nó không chỉ ảnh hưởng đến phổi, dẫn đến những triệu chứng lao phổi mà còn lây sang những cơ quan khác như xương, hạch bạch huyết, tim, hệ thần kinh,…
Bên cạnh đó, trực khuẩn lao còn có thể sống tiềm ẩn bên trong  và bên ngoài tế bào nên tránh được các tác động của thuốc chống lao. Vì vậy mà rất khó để điều trị dứt điểm.

Nguyên nhân ho lao

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh ho lao. Việc nắm được nguyên nhân sẽ giúp cho bạn tránh được nguy cơ nhiễm bệnh ở mức tối đa.

  • Ho lao do vi khuẩn MTB gây ra. Do loại vi khuẩn này lây truyền qua không khí nên bệnh có thể lây từ người với người qua đường hô hấp. Việc ở cùng một môi trường không khí với bệnh nhân ho lao sẽ có thể làm chúng ta hít phải vi khuẩn MTB, từ đấy dẫn đến bị bệnh lao.
  • Việc thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, nhiều khí uế, ẩm ướt cũng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn MTB phát triển và gây ho lao.
  • Tiếp xúc với người bị bệnh hay những chất thải có chứa vi khuẩn MTB như nước bọt, đờm, dãi,…
  • Sử dụng thực phẩm đã bị nhiễm vi khuẩn MTB, vật nuôi nhiễm bệnh.

Phân loại ho lao

Tùy vào vị trí bị bệnh mà có thể chia ra làm 2 loại đó là lao phổi và lao ngoài phổi. Lao phổi là thể lao hay gặp nhất, chiếm khoảng 80% trường hợp mắc ho lao.

Ngoài lao phổi còn có các loại ho lao khác như lao hạch bạch huyết, lao màng phổi, lao màng não, lao xương khớp, lao ruột,… Các bệnh lao ngoài phổi không có nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác.

Đối với lao phổi cũng sẽ có những trường hợp có ít khả năng lây bệnh hơn. Đó là những người có triệu chứng lao phổi nhưng số lượng vi khuẩn lao trong ổ tổn thương ít nên khi xét nghiệm đờm không tìm thấy.

Có thể lây từ người sang người qua đường hô hấp
Có thể lây từ người sang người qua đường hô hấp

Vi khuẩn MTB sau khi vào cơ thể sẽ có giai đoạn ủ bệnh, chúng tồn tại ở trạng thái ngủ. Do đó mà dù không có triệu chứng bệnh lao nhưng xét nghiệm vẫn cho kết quả dương tính.

Nếu phát hiện ra vi khuẩn MTB ở giai đoạn này thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ giảm đi rất nhiều. Thời gian ủ bệnh ở mỗi người sẽ không giống nhau, do đó, mọi người cần chú ý đến những biểu hiện của cơ thể mình. Vi khuẩn lao sẽ phát triển từ phổi rồi di chuyển sang các cơ quan khác theo đường mạch máu.

Ai có nguy cơ mắc ho lao

Như đã nói, vi khuẩn lao lây truyền trong không khí. Nên bất kì ai nếu tiếp xúc với môi trường không khí có chứa vi khuẩn MTB, thì đều có nguy cơ nhiễm bệnh.

Với những người có hệ miễn dịch kém, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV, ung thư, tiểu đường,…thì lại càng có nguy cơ mắc ho lao hơn người bình thường.

Xem thêm: Review thuốc xịt họng giảm ho tốt nhất hiện nay

Triệu chứng bệnh lao phổi

Triệu chứng lao phổi có rất nhiều nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng bệnh ho, viêm họng thông thường nên nhiều người không để ý hoặc hiểu rõ sẽ không biết được.

Do đó mà hầu hết những người mắc bệnh ho lao đều không phát hiện mình bị bệnh dẫn đến tình trạng bệnh diễn biến nặng. Việc nắm được triệu chứng bệnh sẽ giúp bệnh nhân được chữa trị kịp thời và có thể hoàn toàn khỏi bệnh. Một số triệu chứng bệnh lao phổi điển hình đó là:

Ho

Đa số các bệnh phổi cấp tính và mạn tính như viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi, lao phổi,… đều có triệu chứng là ho.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã bị ho trên 3 tuần, dùng thuốc kháng sinh nhưng ho không thuyên giảm, đồng thời xác định không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản hay ung thư phổi thì cần phải nghĩ đến là triệu chứng lao phổi.

Khạc ra đờm

Khi phổi, phế quản bị kích thích hoặc có tổn thương sẽ làm tăng xuất tiết dẫn đến tình trạng có đờm trong cổ họng và khạc đờm. Nhưng cũng như ho thì có nhiều nguyên nhân gây ra khạc đờm, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là do viêm nhiễm.

Nếu người bệnh đã bị ho trên 3 tuần, đã sử dụng thuốc kháng sinh nhưng khạc đờm không giảm thì rất có thể là triệu chứng ho lao. Đây là 2 dấu hiệu thường thấy nhất trong những triệu chứng bệnh ho lao.

Ho ra máu

60% người mắc lao phổi đều có triệu chứng là ho ra máu, vì đường hô hấp vì tổn thương và chảy máu bên trong.

Ho ra máu là triệu chứng lao phổi khá rõ
Ho ra máu là triệu chứng lao phổi khá rõ

Ngoài là triệu chứng lao phổi, ho ra máu cũng là biểu hiện của nhiều bệnh khác như bệnh về phổi – phế quản, bệnh ngoài đường hô hấp như tim mạch, bệnh toàn thân,…

Đau tức ngực, khó thở

Triệu chứng bệnh lao phổi dễ thấy nhất chính là đau tức ngực, do việc ho nhiều gây ức chế lên phế quản, dẫn đến tình trạng khó thở, ngực cảm thấy đau tức.

Đặc biệt là khi phổi đang bị tổn thương thì càng khiến khả năng trao đổi khí khó khăn hơn.

Gầy, sụt cân

Hầu hết những bệnh nhân ho lao, trong đó chủ yếu là lao phổi đều có triệu chứng gầy yếu, sụt cân, cơ thể không còn sức sống.

Nếu bạn bị sụt cân, gầy yếu không rõ nguyên nhân, đã xác định không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS, đồng thời lại xuất hiện những triệu chứng hô hấp như đã nói thì phải nghĩ ngay tới ho lao.

Ra mồ hôi

Có nhiều nguyên nhân khiến cơ thể ra mồ hôi và một trong số đó là ho lao phổi, do rối loạn thần kinh thực vật.

Hiện tượng này thường được gọi là ra mồ hôi trộm, dễ thấy nhất ở trẻ nhỏ.

Mệt mỏi, chán ăn

Do tác động tâm lí, tình trạng sức khỏe, stress, căng thẳng nên người bị bệnh ho lao thường cảm thấy bị ức chế, từ đó sinh cảm giác mệt mỏi, thiếu ngủ, chán ăn. Đây là triệu chứng bệnh lao phổi rất quan trọng mà bạn không nên bỏ qua.

Những biến chứng của ho lao

Ho lao, mà đặc biệt là lao phổi sẽ dẫn đến nhiều biến chứng. Có thể có biến chứng rồi mới phát hiện ra bệnh hoặc xảy ra trong quá trình bệnh tiến triển. Một số biến chứng thường gặp nhất là:

Ho ra máu

Tùy từng người và mức độ bệnh mà có thể ho ra máu ít hoặc  nhiều. Do ho lao làm hoại tử thành của một động mạch nên có thể khiến người bệnh ho ra máu sét đánh.

Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể khiến bệnh nhân tử vong chỉ sau vài phút.

Tràn khí màng phổi

Là một biến chứng nặng khi bị bệnh ho lao, do vỡ một hang lao vào khoang màng phổi. Vi trùng từ hang lao nhiễm vào màng phổi gây ra tràn mủ – tràn khí màng phổi.

Ho lao có thể gây ra tràn khí màng phổi
Ho lao có thể gây ra tràn khí màng phổi

Khi bệnh nhân gặp phải biến chứng này thì việc điều trị sẽ khó khăn gấp đôi vì vừa phải điều trị bệnh ho lao, vừa phải đặt ống dẫn lưu màng phổi.

Tràn dịch màng phổi

Nguyên nhân là do tiếp xúc với một ổ lao phổi đang tiến triển. Biến chứng này có thể xảy ra sau khi người mắc ho lao đã được chữa khỏi, và trở thành di chứng của bệnh lao phổi.

Dãn phế quản

Có triệu chứng ho đàm và ho ra máu khá giống với triệu chứng lao phổi nên nhiều người nhầm tưởng là bệnh ho lao tái phát. Tuy nhiên, chỉ khi nào xác định có vi khuẩn MTB mới được cho là tái phát.

Tràn khí màng phổi

Nguyên nhân là do vỡ một bóng khí nhưng sẽ không làm nhiễm trùng màng phổi như tràn khí màng phổi đã đề cập.

U nấm phổi

Do vi nấm Aspergillus fumigatus sinh sôi trong một hang lao cũ trong phổi. Cách điều trị biến chứng này đó là phẫu thuật.

Điều trị bệnh ho lao

Điều trị ho lao chủ yếu dùng thuốc. Thuốc điều trị ho lao là miễn phí và 5 loại thuốc chống ho lao thường gặp nhất là:

  • Isoniazid (H),
  • Rifampicin (R),
  • Pyrazinamid (Z),
  • Streptomycin (S)
  • Ethambutol (E).

Người bệnh cần phải sử dụng đúng liều, đúng ngày, đúng thời gian, đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý bỏ dở thuốc vì sẽ khiến vi khuẩn lao sẽ phát triển thậm chí còn có khả năng kháng thuốc. Quá trình điều trị bệnh ho lao sẽ trải qua hai giai đoạn:

  • Giai đoạn tấn công: mục đích là để giảm nhanh số vi trùng MTB có trong các tổn thương để ngăn chặn đột biến kháng thuốc, thường kéo dài 2-3 tháng.
  • Giai đoạn duy trì: mục đích là tiêu diệt các vi khuẩn lao trong tồn thương để ngăn ngừa tình trạng tái phát, thường kéo dài 4-6 tháng.

Quá trình chữa ho lao sẽ kéo dài ít nhất là 6-8 tháng nên đòi hỏi sự quyết tâm cao của người bệnh. Nếu để bệnh tái phát ở mức độ cao hơn sẽ có thể gặp phải tình trạng kháng thuốc, kéo dài thời gian điều trị lên đến 19-24 tháng, và khả năng trị dứt điểm là cực kì thấp.

Kiểm tra sức khỏe định kì theo chỉ dẫn của bác sĩ. Việc kiểm tra chủ yếu là xét nghiệm đờm để xem tình trạng tiến triển của vi khuẩn lao. Thông thường, các mốc thời gian xét nghiệm đờm sẽ là sau 2-3 tháng, sau 4 tháng, sau 6-8 tháng.

Khi nào bệnh nhân ho lao cần nhập viện

Không có điều kiện cách ly tốt ở nhà, thì nên nhập viện để tránh lây nhiễm bệnh sang cho người khác cũng như bảo vệ sức khỏe bản thân.

Lưu ý, người bệnh cần giữ gìn sức khỏe, chú ý vệ sinh sạch sẽ, tuyệt đối không khạc nhổ đờm bừa bãi ra môi trường, dễ lây nhiễm bệnh cho cộng đồng.

  • Không nên điều trị tại nhà với các thể loại lao nặng như lao màng não, lao cột sống…
  • Lao phổi có nguy cơ chuyển sang giai đoạn suy hô hấp, lao phổi tổn thương rộng.
  • Tình trạng ho lao có nguy cơ gây trụy tuần hoàn như lao màng tim, lao phổi suy kiệt.
  • Gặp biến chứng nghiêm trọng như ho ra máu, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi.
  • Bệnh nhân ho lao bị tai biến do thuốc chống lao gây ra.

Chăm sóc bệnh nhân ho lao

Như đã nói, quá trình điều trị bệnh ho lao là một cuộc chiến dài hơi nên đòi hỏi người bệnh phải có tâm lí vững vàng, kiên trì, một tinh thần thoải mái. Bên cạnh đó, 1 chế độ dinh dưỡng hợp lí sẽ giúp bạn có đủ sức khỏe để chống chọi với tác dụng phụ của thuốc.

Bệnh ho lao nên ăn gì

  • Thực phẩm nhiều kẽm: như sò, hến, đậu Hà Lan, đậu tương, củ cải, lòng đỏ trứng gà, thịt lợn nạc, Những thực phẩm này giúp bổ sung lượng kẽm bị thiếu hụt do cơ chế các loại thuốc điều trị lao phổi gây ra, có thể gây chán ăn, suy giảm miễn dịch.
Các thực phẩm giàu kẽm rất tốt cho người bệnh ho lao
Các thực phẩm giàu kẽm rất tốt cho người bệnh ho lao
  • Bổ sung vitamin A,C,E  có trong rau xanh, quả chín màu vàng đỏ, gan súc vật và gia cầm, thịt lợn nạc, thịt bò,…giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ niêm mạc, tránh được nguy cơ gây nhiễm khuẩn.
  • Bổ sung sắt có trong nấm hương, đậu nành, lòng đỏ trứng, thịt bò, …để tránh tình trạng thiếu máu làm giảm sức đề kháng, dẫn đến các bệnh nhiễm khuẩn, tim mạch.
  • Đa dạng món ăn: tránh cảm giác chán ăn.

Các thực phẩm cần tránh

  • Rượu, bia, đồ uống có cồn vì sẽ gây sốt nhẹ kéo dài, ra mồ hôi trộm, tâm phiền và rối loạn thần kinh
  • Thực phẩm giàu chất béo, không nên ăn mộc nhĩ vì có thể làm kéo dài quá trình đông máu.
  • Gia vị cay như tiêu, ớt,… vì sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng hơn, thậm chí dẫn đến ho khạc kèm theo máu rất nguy hiểm.

Ho lao mặc dù không còn bị coi là bệnh nan y hết thuốc chữa nhưng vẫn đòi hỏi người bệnh kiên trì tuân thủ theo quy trình điều trị, không được bỏ dở thuốc hoặc ngưng thuốc nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ, tránh tình trạng bệnh nặng thêm.

Một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh kết hợp với tinh thần thoải mái và nghiêm túc thực hiện phác đồ điều trị sẽ giúp cho bạn nhanh chóng khỏi bệnh.